Dịch vụ viễn thông cố định tại các Khu CN và Khu Đô Thị

Hệ thống cung cấp dịch vụ viễn thông cố định tại các khu công nghiệp, khu đô thị

1. Mục đích và phạm vi

     Xây dựng mạng cáp quang truy nhập linh hoạt với các điểm gom truy nhập gần thuê bao nhằm mục đích cung cấp các kết nối theo cấu trúc điểm – điểm (P2P – Point to Point), điểm – đa điểm chủ động (P2MP – Point to Multi Poin) hoặc điểm – đa điểm thụ động (PON – Passive Optical Network).

     Triển khai mạng cáp quang truy nhập theo các giải pháp FTTx (FTTH, FTTB, FTTC,…) kết hợp công nghệ GPON nhằm giảm khoảng cách cáp đồng và đưa cáp quang tới vị trí sử dụng cuối cùng của thuê bao. Bao gồm:

  • Khối căn hộ trong các tòa tháp cao tầng.
  • Khối trung tâm thương mại, dịch vụ trong các tòa tháp cao tầng.
  • Khối nhà biệt thự liền kề.

2. Cấu trúc mạng truy cập quang thụ động (PON)

     Với việc sử dụng các thiết bị chia ghép thụ động (splitter) tại các điểm chia ghép tín hiệu quang gần với thuê bao, mạng PON cho phép giảm dung lượng sợi quang phải triển khai trên mạng, đảm bảo tiết kiệm chi phí đầu tư thiết bị lắp đặt tại nhà trạm và chi phí đầu tư, khai thác, bảo dưỡng trên toàn hệ thống. Do vậy, hiện tại PON được xem là giải pháp tốt cho việc triển khai mạng cáp quang truy nhập tại dự án.

Công nghệ truy nhập quang thụ động

     Cấu trúc hệ thống truy nhập cáp quang FTTH-PON của FFC:

Cấu trúc mạng truy nhập cáp quang thụ động

     Trong đó:

     – Thiết bị kết cuối đường dây (Optical Line Terminal – OLT): đặt tại nhà trạm FFC trong dự án.

     – Thiết bị kết cuối mạng (Optical Network Terminal – ONT): đặt tại nhà khách hàng (thuê bao).

     – Mạng phân phối cáp quang (Optical Distribution Network – ODN): mạng ODN cung cấp các kênh truyền dẫn quang vật lý giữa OLT và ONT. Bao gồm cáp sợi quang, đầu nối quang, thiết bị chia/ghép tín hiệu quang (Splitter) và các thiết bị phụ kiện. Như vậy, mạng ODN bao gồm các phần cơ bản:

  • Cáp quang chính: xuất phát từ giá đấu nối quang (ODF) đặt trong nhà trạm đến điểm phân phối/rẽ nhánh quang (Distribution Point – DP) dọc theo trục kỹ thuật trong khối nhà cao tầng hoặc hệ thống cống bể viễn thông trong toàn bộ khuôn viên dự án (điểm gom).
  • Cáp quang nhánh: xuất phát từ điểm phân phối/rẽ nhánh (DP) đến các điểm truy nhập quang gần nhà thuê bao tức là phòng kỹ thuật tại mỗi tầng (khối cao tầng) hoặc điểm gom kỹ thuật của khối biệt thự liền kề (Access Point – AP).
  • Cáp quang thuê bao: xuất phát từ điểm truy nhập AP hoặc điểm phân phối/rẽ nhánh DP đến vị trí đấu nối quang trong nhà thuê bao (ATB/Outlet – Access Teminal Box).
  • Thiết bị chia ghép tín hiệu quang (Splitter): đặt tại các điểm phân phối/rẽ nhánh quang (DP) và điểm truy nhập quang (AP).

Các cấu trúc mạng truy nhập cáp quang FTTx

     Tóm lại: Mạng phân phối cáp quang (ODN) là một trong các thành phần chính cấu thành mạng cáp quang truy nhập FTTx. Mạng phân phối quang là phần của mạng lưới viễn thông chủ yếu nằm bên ngoài nhà trạm viễn thông, bao gồm cáp sợi quang kết nối từ nút chuyển mạch/điểm truy nhập đến nhà thuê bao, giá đấu nối quang (ODF – Optical Distribution Frame), măng sông cáp quang, tủ/hộp cáp quang, splitter, hệ thống cống bể, cột thông tin và các phụ kiện mạng quang.

3. Mô hình triển khai FTTH tại dự án

     – Đối với các toà nhà cao tầng, triển khai mạng FTTH theo các cấu trúc sau:

     Splitter cấp 1 đặt tại tầng hầm (phòng KT) và được đấu nối với splitter cấp 2 thông qua mạng cáp phụ triển khai lên các tầng. Cáp quang thuê bao sẽ được kéo từ Splitter cấp 2 đến ATB đặt tại nhà Khách hàng. Cấu trúc này được triển khai tại các toà nhà cao tầng có dung lượng thuê bao tương ứng các cấu trúc đấu nối spliter 1:2 + 1:32, 1:4 + 1:16, 1:8 + 1:8.

Cấu trúc lắp đặt trong mỗi tòa

Cấu trúc lắp đặt toàn khu cao tầng

     – Đối với khu biệt thự, nhà liền kề:

     Dây thuê bao quang có thể lắp đặt ngầm trong hệ thống cống bể/ganivo tại vị trí gần các căn biệt thự liền kề. Từ đó đi theo hệ thống ống dẫn kĩ thuật vào tận trong căn hộ theo yêu cầu của khách hàng.

Cấu trúc lắp đặt khu biệt thự, liền kề

4. Cách thức kết cuối dây thuê bao quang (Optical Drop Wire) tại nhà Khách hàng

     – Tại các khu nhà liền kề và biệt thự:

  • Sử dụng dây thuê bao quang dung lượng 2 Fo, kéo từ Splitter hoặc từ hộp cáp (AP) đặt ngoài trời theo hệ thống cống bể/ganivo hoặc hệ thống cột tới hộp kết cuối (ATB/Outlet) đặt tại nhà thuê bao.
  • Dây thuê bao quang sử dụng loại có cấu trúc ống đệm lỏng (Loose Buffer Tube).
  • Hộp ATB/Outlet đặt trong nhà thuê bao, cách mặt sàn khoảng 30 cm đến 40 cm và được gắn trên tường.
  • Dây thuê bao quang phải được luồn trong ống gen nhựa, đảm bảo bán kính uốn cong và được kết nối với dây pigtail lắp trong hộp ATB/Outlet bằng hàn nhiệt hoặc gắn luôn dây thuê bao quang với đầu nối connector.
  • Thiết bị ONT được kết nối tới hộp kết cuối ATB/Outlet bằng dây nhảy quang Patch cord.

     – Tại các tòa nhà cao tầng, văn phòng.

  • Sử dụng dây thuê bao quang Indoor loại 2 Fo kéo từ Splitter hoặc từ hộp cáp (AP) đặt tại phòng kỹ thuật hoặc hành lang tòa nhà theo hệ thống gen nhựa chôn ngầm trong tường hoặc gắn nổi tới hộp ATB/Outlet đặt tại vị trí lắp đặt thiết bị của Khách hàng.
  • Hộp ATB/Outlet được gắn trên tường, cách sàn nhà khoảng 30 cm đến 40 cm. Dây thuê bao quang được kết nối với dây nối quang (pigtail) lắp trong hộp ATB/Outlet bằng hàn nhiệt hoặc gắn luôn dây thuê bao quang với đầu nối connector.
  • Thiết bị ONT được kết nối tới hộp kết cuối ATB/Outlet bằng dây nhảy quang (Patch cord).
  • Dây thuê bao quang lắp đặt tại các tòa nhà cao tầng: sử dụng loại Indoor Cable có cấu trúc ống đệm chặt (Tight Buffer Tube) nhằm đảm bảo độ linh hoạt và suy hao do bán kính uốn cong là nhỏ nhất.

Lắp đặt dây thuê bao quang tại nhà Khách hàng

5. Kết nối tới các nhà cung cấp dịch vụ tại nhà trạm

     Tại nhà trạm, Công ty Thanh Hải lắp đặt các thiết bị viễn thông, đảm bảo đủ năng lực và giao diện để kết nối tới tất cả các nhà cung cấp dịch vụ hiện này. Đáp ứng yêu cầu sử dụng đa dịch vụ, đảm bảo quyền lợi cho khách hàng tại dự án.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *