THANH HẢI tự hào có hạ tầng trạm BTS, mạng cáp quang cố định băng rộng, phủ sóng tòa nhà tại nhiều tỉnh thành của Việt Nam: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Hải Dương, Thanh Hóa, Quảng Ninh…
Toàn bộ hạ tầng đã đầu tư: Được kiểm soát, vận hành và bảo trì định kỳ theo quy trình và tiêu chuẩn quốc tế.
Trong quá trình thi công, chúng tôi luôn đảm bảo việc lắp đặt các thiết bị cũng như tính mỹ thuật, an toàn cho toà nhà. Chúng tôi cũng cân nhắc đến vấn đề hiệu chỉnh và bảo dưỡng cho nên các vị trí lắp đặt được cân nhắc và tính toán cụ thể.
Cụ thể các phương án lắp đặt các thiết bị như sau:
Phương án lắp đặt Anten:
Các anten được lắp trên trần nhà, dùng chân thép để cố định và đảm bảo thẩm mỹ. Anten Panel trong giếng thang máy thì dùng cột cố định trên vách giếng.
Phương án lắp đặt POI,Coupler, Splitter:
Các bộ POI, Coupler, hoặc Splitter với khoảng cách từ BTS ≤ 5m sẽ được bố trí lắp trên các cầu cáp nằm trong phòng máy BTS.
Tại các tầng hầm và tầng mái, các thiết bị này có thể được lắp cố định trực tiếp lên trên trần nhà do trần nhà ở các tầng này không phải là trần giả mà là trần bê tông, hoặc lắp đặt trong hệ thống thang máng cáp có sẵn của chủ đầu tư.
Đối với các tầng từ tầng 1 đến tầng dịch vụ, các thiết bị này được lắp tại phòng kỹ thuật của mỗi tầng. Việc lắp đặt phải đảm bảo chiếm ít không gian lắp đặt nhất, tuân thủ cách bố trí trong bản vẽ và phải được dán nhãn đánh dấu.
Một phần các thiết bị này dùng ốc và đai để cố định. Các thiết bị lắp ở ngoài thì dùng ốc và đai cao su để cố định.
Phương pháp lắp đặt cáp tín hiệu (feeder):
Feeder nối từ phòng BTS ra và Feeder nối giữa các bộ Splitter, Coupler được đi vào phòng kỹ thuật gần nhất và theo đó đi xuống các tầng dưới (các phòng này được thông với nhau). Sử dụng đai để cố định chắc chắn vào tường. Vị trí đi feeder thường được đặt sát vào các góc tường.
Feeder nối từ các splitter tới ăng-ten được đi trong hố kỹ thuật và được lắp phía trên trần giả.
Tại các tầng có trần giả là các miếng trần có thể tháo dời, đội thi công sẽ tháo dỡ tạm thời các tấm trần giả để luồn dây tín hiệu và lắp đặt Anten ở các tầng. Sau khi chạy cáp tín hiệu và lắp đặt Anten xong, đội thi công sẽ lắp đặt các tấm trần này như ban đầu. Các Anten bố trí ở các tầng này sẽ được lắp đặt phía dưới trần giả.
Tại các tầng có trần giả làm bằng thạch cao, đội thi công sẽ tháo dỡ tạm thời các đèn mắt trâu để luồn dây cáp tín hiệu. Tại các vị trí lắp đặt anten, sẽ khoan các lỗ tròn giống như lỗ khoan bắt đèn mắt trâu để lắp anten (Lỗ khoan tròn, đường kính của lỗ khoan là Φ100). Sau khi chạy cáp tín hiệu và lắp đặt anten xong, đội thi công sẽ lắp đặt lại các đèn mắt trâu như ban đầu.
Đối với các toà nhà không có trần giả, đội thi công sẽ tiến hành chạy cáp tín hiệu trong các ống gen để nhằm đảm bảo thẩm mỹ của toà nhà trong trường hợp toà nhà đã đi vào sử dụng. Trường hợp toà nhà đang trong giai đoạn thi công hoàn thiện, đội thi công sẽ chạy hệ thống cáp ngầm trong tường có ống bảo vệ.
Phương pháp lắp đặt nguồn điện AC, điều hoà và hệ thống cảnh báo:
Nguồn điện của bộ khuyếch đại là AC220V, phải đảm bảo cung cấp đủ điện cho thiết bị, nguồn điện được lấy từ hộp phân phối điện đặt tại phòng kỹ thuật của mỗi tầng và đồng thời sẽ lắp đặt đồng hồ điện riêng.
Dây điện nguồn AC được bố trí đi trong ống nhựa PVC chống cháy.
Việc lắp đặt các bảng phân phối điện AC, hệ thống cảnh báo và điều hòa phải theo đúng sơ đồ bố trí thiết bị của phòng BTS. Các loại dây dẫn phải đi trong hệ thống ống gen nhằm đảm bảo an toàn và thẩm mỹ.
Phương pháp lắp đặt hệ thống tiếp đất:
Kết hợp với môi trường kiến trúc, bộ phận tiếp đất dùng chung với hệ thống tiếp đất của toà nhà, yêu cầu phải có điện trở suất trong dải làm việc từ 5-10Ω.